Trong tỉnh

“Thủ đô kháng chiến” giữa bưng biền

27/09/2023 08:50:49AM
Màu chữ Cỡ chữ

Cách đây 78 năm, vào đêm 22, rạng ngày 23/9/1945, quân Pháp nổ súng ở Sài Gòn, báo hiệu cuộc xâm lược nước ta lần hai. Cùng với Nam bộ, Đồng Tháp Mười - Long An “đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến”. Từ đây, vùng bưng biền trở thành căn cứ của các cơ quan đầu não của Xứ ủy, Ủy ban hành chính Kháng chiến Nam bộ, lực lượng vũ trang,...

Vùng bưng trấp Đồng Tháp Mười nằm gần Sài Gòn, nối liền miền Đông và Tây Nam Bộ, có địa thế hiểm trở, rất thuận lợi công - thủ và nhân dân có truyền thống đấu tranh bất khuất nên được chọn làm căn cứ. Tuy chỉ tồn tại trong 4 năm (1946-1949) nhưng căn cứ địa Ðồng Tháp Mười giữ vai trò rất quan trọng trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Căn cứ địa Đồng Tháp Mười với trung tâm là trục kinh Dương Văn Dương, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh

Ngay sau khi thành lập, với sự che chở, đùm bọc và tham gia hết lòng của nhân dân, Đảng bộ và chính quyền cách mạng đã tiến hành xây dựng, kiện toàn hệ thống căn cứ gồm các cơ sở chính trị, vũ trang, kinh tế, vận tải, thông tin, văn hóa, giáo dục, y tế, tiêu biểu là Đài Tiếng nói Nam Bộ kháng chiến, phòng bào chế thuốc Sở y tế Nam Bộ, nhà in Nam bộ, tổ nhiếp ảnh - điện ảnh khu 8. Ông Lữ Minh Hải, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nhơn Hòa Lập thông tin thêm: “Trong vùng căn cứ, đồng chí Lê Duẩn với cương vị là Bí thư Xứ ủy, cùng các đồng chí lãnh đạo chủ chốt khác: Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Nguyễn Bình, Phạm Văn Bạch, Trần Văn Trà, Huỳnh Tấn Phát,... và rất nhiều cơ quan của Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang từ cấp miền đến khu, tỉnh đóng và làm việc ở nhà dân, được nhân dân đùm bọc, chở che an toàn. Trong đó, đồng chí Lê Duẩn, cùng với bộ máy lãnh đạo cao nhất của cuộc kháng chiến sống và làm việc tại nhà của má Tám (Nguyễn Thị Thay) và ông "Hai Độc Lập" (Nguyễn Văn Siêu). Đặc biệt, trong vùng căn cứ, vào tháng 7 năm 1948, bên bờ kênh Năm Ngàn, Đại hội đại biểu xứ Đảng bộ Nam Bộ được triệu tập. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu một bước ngoặt mới trong việc củng cố hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền và các hoạt động kháng chiến ở Nam Bộ.”

Nhà ông Nguyễn Văn Siêu (ông Hai Độc Lập), nơi Đồng chí Lê Duẩn – Bí thư Xứ ủy đã sinh hoạt và nghỉ ngơi trong thời gian hoạt động lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam tại căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính – Kháng chiến Nam Bộ

Dù liên tục bị bao vây, đánh phá ác liệt, song với tinh thần yêu nước nồng nàn, quân và dân Đồng tháp Mười đã anh dũng chiến đấu giữ vững vùng căn cứ, khiến vùng đất này trở thành biểu tượng được ngưỡng mộ của công cuộc toàn dân kháng chiến. Nơi đây trở thành hậu cứ vững chắc để các lực lượng kháng chiến làm bàn đạp tiến công ra bên ngoài và giành được nhiều thắng lợi vẻ vang như: trận Giồng Dinh 1947, trận Mộc Hóa 1948,….làm cho thực dân Pháp và tay sai phải khiếp vía kinh hồn. Đây cũng là lúc cả nước biết đến Đồng Tháp Mười như “thủ đô kháng chiến”, là “Việt Bắc của miền Nam”. Ông Võ Thanh Phong, Cựu chiến binh xã Nhơn Hòa Lập tự hào: “Với giá trị lịch sử to lớn đó, ngày 3 tháng 8 năm 2007, Bộ Văn hóa – Thông tin quyết định xếp hạng di tích quốc gia cho Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ. Là người dân của quê hương Nhơn Hòa Lập anh hùng, tôi rất vinh dự, tự hào về tinh thần yêu nước quật cường và chiến đấu anh dũng của thế hệ cha anh, làm bừng sáng tinh thần “căn cứ lòng dân”. Tiếp nối truyền thống đó, tôi cùng với lực lượng cựu chiến binh địa phương sẽ truyền lửa, giáo dục lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và ý thức dân tộc cho thế hệ trẻ để các em cháu tiếp tục ra sức học tập, lao động, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

“Mùa thu rồi ngày hăm ba,

ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến.

Rền khắp trời, lời hoan hô

dân quân Nam nhịp chân tiến lên trận tiền...”

Dù đã trải qua chặng đường lịch sử 78 năm, nhưng hào khí Nam bộ kháng chiến vẫn còn vang vọng như bản anh hùng ca bất tử trên mảnh đất bưng biền Đồng Tháp Mười và trở thành động lực to lớn cổ toàn đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An đồng tâm nhất trí, vượt qua thách thức, xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.

An Bang

Các tin khác

  • Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Phổ cập tri thức về chuyển đổi số, kỹ năng số phải phù hợp cho từng nhóm đối tượng (05/06/2025)
  • Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định nhiều chỉ tiêu quan trọng trong triển khai “Phong trào bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh (05/06/2025)
  • Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định nội dung trọng tâm thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động của ngành Kiểm tra Đảng (28/05/2025)
  • Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu đẩy mạnh công tác giám sát nhằm cảnh báo, phòng ngừa vi phạm từ sớm, từ xa (28/05/2025)
  • Long An xác định nguyên tắc bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý khi kết thúc huyện, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã (27/05/2025)
  • Tỉnh ủy Long An: Thống nhất chủ trương đầu tư đường Tân An - Bình Hiệp và xác định 04 nội dung cấp bách thời gian tới (22/05/2025)
  • Long An: Chủ động duy trì mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của tỉnh (12/05/2025)
  • Bố trí cán bộ phải công tâm, khách quan theo tinh thần “từ việc, chọn người” (17/03/2025)
  • Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định hợp nhất Báo Long An và Đài Phát thanh và Truyền hình Long An (14/03/2025)
  • Cần làm tốt công tác tư tưởng về chủ trương sắp xếp bộ máy, đảm bảo không để ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị (14/03/2025)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối