Thiếu bản lĩnh, thiếu năng lực sẽ né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm không dám làm
Trên địa bàn tỉnh, tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm tuy không nhiều nhưng phần nào đã làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức và cá nhân cán bộ, đảng viên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có những phân tích rất sâu kỹ về tác hại và các nguyên nhân dẫn của tình trạng này.
Thời gian qua, tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh không nhiều. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định, mặc dù tính chất, mức độ, tác hại, hậu quả có phần chưa nghiêm trọng, nhưng phần nào cũng ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức và cá nhân của cán bộ, công chức, viên chức đối với nhân dân. Đây là vấn đề cần được quan tâm để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Được thường xuyên nhắc nhở, phê bình tình trạng làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm của đội ngũ cán bộ, đảng viên
Việc cán bộ, đảng viên sợ trách nhiệm sẽ làm giảm sút năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng và sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; làm cho quá trình xử lý công việc bị chậm trễ, kéo dài, trì trệ, ách tắc, ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Nếu tình trạng này diễn ra lâu dài không được chấn chỉnh, khắc phục kịp thời sẽ hình thành một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức với tư duy “an phận”, “bàng quan” với thời cuộc, thiếu tính năng động, sáng tạo, linh hoạt, nhạy bén, không có ý chí phấn đấu, rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, kinh nghiệm công tác nên không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Kỷ luật, kỷ cương không được tuân thủ nghiêm minh, hiệu quả công việc giảm sút, lãng phí thời gian, nguồn lực. Việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức, nhân dân (nhất là trong việc giải quyết các thủ tục hành chính), về lâu dài làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo đánh giá, phân tích của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do xuất phát từ những tác động của mặt trái cơ chế thị trường, tác động tiêu cực về mặt tâm lý, tư tưởng, lối sống và sự tính toán lợi ích cá nhân trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ; làm phát sinh, lây lan lối sống thực dụng, thờ ơ, vô cảm. Mặc khác, do tác động, ảnh hưởng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng đẩy mạnh trong toàn hệ thống chính trị, nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật đã khiến cho một bộ phận cán bộ thực thi công vụ có tâm lý, thái độ làm việc cầm chừng, sợ sai, sợ trách nhiệm.
Cùng với đó, thì hệ thống văn bản pháp luật hiện hành còn phức tạp, nhiều văn bản điều chỉnh cùng một vấn đề; văn bản hướng dẫn ở một số lĩnh vực thiếu tính đồng bộ, còn chồng chéo, gây khó khăn trong quá trình áp dụng, thực hiện, thống nhất giữa các bộ, ngành Trung ương (lĩnh vực: Đất đai, xây dựng, môi trường,...) dẫn đến khó áp dụng, thực hiện; từ đó, dẫn đến cán bộ tham mưu có tâm lý sợ sai, không mạnh dạn đề xuất thực hiện. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản, quy định của Đảng, Nhà nước thường xuyên thay đổi, chưa kịp triển khai, quán triệt, cụ thể hóa thực hiện nên đôi khi cán bộ, đảng viên chưa tiếp thu được đầy đủ, kịp thời.
Nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giai đoạn hiện nay ngày càng nhiều, trong khi biên chế còn hạn chế; do đó, khối lượng công việc của mỗi cán bộ, công chức, viên chức phụ trách là rất lớn so với tương quan lực lượng. Chế độ, chính sách chưa tương xứng đối với khối lượng công việc được giao; một số ít cơ quan, đơn vị, địa phương chưa sử dụng hiệu quả nguồn biên chế hiện có, bố trí cán bộ không đúng chuyên môn, sở trường, phân công nhiệm vụ công tác chưa phù hợp,…, làm nảy sinh tâm lý trung bình chủ nghĩa, làm việc cầm chừng.
Né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, gây khó khăn, phiền hà trong giải quyết các thủ tục hành chính sẽ làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Một số cơ quan, đơn vị ban hành quy chế làm việc còn mang tính chung chung, chưa cụ thể, cá thể hóa trách nhiệm của từng người, từng khâu, từng bộ phận, từng vị trí việc làm. Việc triển khai thực hiện quy chế phối hợp trong công tác giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trên thực tế có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất, dẫn đến tình trạng đùn đẩy, né tránh, thoái thác trách nhiệm trong phối hợp. Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ, công vụ có lúc chưa được quan tâm đúng mức, thiếu quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm. Công tác phê bình và tự phê bình, xử lý cán bộ, đảng viên, công chức thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ tại một số cơ quan, đơn vị còn có biểu hiện nể nang, chưa nghiêm, chưa tạo được tính răn đe.
Song song đó, thì nhận thức, ý thức, trách nhiệm của một ít cán bộ, đảng viên chưa cao; chưa thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc của đơn vị, có trường hợp không phát huy năng lực, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Công tác lãnh đạo điều hành của tập thể lãnh đạo, quản lý, tập thể cấp ủy có lúc, có nơi thiếu kiểm tra, đôn đốc kịp thời. Trong hội họp, sinh hoạt đảng, sinh hoạt đơn vị còn đặt nặng công tác chuyên môn, chưa thật sự quan tâm đúng mức đến công tác xây dựng Đảng.
Vẫn còn một số ít cá nhân sợ trách nhiệm do thiếu bản lĩnh, thiếu tu dưỡng phẩm chất đạo đức, thiếu năng lực hoặc sa vào chủ nghĩa cá nhân; thiếu dũng khí đấu tranh, không dám nói ra chính kiến của mình, nhất là trong hội họp, tự phê bình và phê bình. Không dám làm, vì sợ làm sai sẽ ảnh hưởng đến chức vụ công tác của mình, nên chọn cách làm máy móc những gì cấp trên chỉ đạo, không cần đột phá, đổi mới, sáng tạo. Không dám chịu trách nhiệm, không dám đương đầu với khó khăn, thử thách, sợ liên lụy đến trách nhiệm cá nhân, không vì lợi ích chung của tập thể. Dễ nảy sinh thái độ thờ ơ, vô cảm trước những vấn đề khó khăn, bức xúc của tập thể và của người dân; đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; từ đó, dẫn đến tình trạng phó thác, ỷ lại cho tổ chức, cho cấp trên, thiếu kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công việc của cấp dưới. Thiếu năng lực nên trước mỗi công việc, nhất là việc khó, việc mới, cán bộ không biết quyết định thế nào cho đúng, triển khai thế nào cho hiệu quả, làm gì cũng sợ sai, sợ bị phê bình, chất vấn, thiếu ý thức nghiên cứu, học hỏi; cán bộ trẻ thiếu kinh nghiệm trong khi cán bộ có kinh nghiệm thì không cập nhật kiến thức, nhất là kiến thức về pháp luật, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ,…, nên đùn đẩy công việc, trách nhiệm cho người khác.
Yên Minh
Các tin khác
- Giải pháp tăng cường củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới (13/01/2025)
- Triển khai Chuyên đề năm 2025 bằng hành động cụ thể, thiết thực (26/12/2024)
- Giảm từ 10 - 30% biên chế các đơn vị sau khi thực hiện sắp xếp (16/12/2024)
- Long An: Kết thúc hoạt động Đảng bộ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh và thành lập 02 đảng bộ trực thuộc cấp ủy tỉnh (14/12/2024)
- Long An: Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền miệng (12/09/2024)
- Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải thực hiện xuất sắc 05 nội dung, tiêu chí theo quy định (22/08/2024)
- Chất lượng, hiệu quả công tác quản lý biên chế trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng cao (21/08/2024)
- Học tập lý luận chính trị góp phần trang bị các giá trị về pháp luật, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên (23/07/2024)
- Đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân có sự chuyển biến tích cực (18/07/2024)
- Thực hiện Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được đổi mới theo hướng toàn diện, chất lượng nâng cao (31/05/2024)
Trang đầu 1 2 3 4 Trang cuối